Nhớ Anh Hai Lê Vũ Hùng

 NHỚ ANH HAI LÊ VŨ HÙNG
Tưởng niệm 14 năm ngày mất
của Cố Thứ trưởng Bộ GD&ĐT LÊ VŨ HÙNG 
 
                                                                               NGƯT.PGS,TS. Nguyễn Văn Đệ
                                                                        Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Tháp
 
            Phàm là người, sống trên cõi đời này, ai mà không có kí ức? Có kí ức lớn lao về một dân tộc, một quê hương, một con người. Có kí ức nhỏ bé về một lần gặp gỡ, một cuộc chia xa, một lời nhắn nhủ…. Có kí ức sống động, ồn ào nhưng cũng có kí ức lặng yên nằm trong cõi lòng sâu kín. Lại có kí ức dù cố nén chặt trong chiều sâu tâm thức nhưng vẫn cứ thường xuyên hiện về như một nỗi ám ảnh, lay gọi. Với tôi, kí ức về lần gặp cuối cùng với anh Hai – Lê Vũ Hùng, trước lúc anh đi vào cõi vĩnh hằng là như vậy. Sở dĩ tôi gọi lần gặp gỡ cuối cùng ấy là kí ức mà không gọi là kỉ niệm, bởi kỉ niệm thì thường lùi sâu, nằm yên trong quá khứ, còn kí ức thì song hành cùng hiện tại, nhiều khi còn trăn trở, day dứt. 
            Đó là một ngày đầu tuần, thứ hai ngày 19-5-2003, tức trước ngày anh Hai mất đúng một tuần. Hôm ấy, do yêu cầu công tác, tôi cùng anh Lê Hiển Dương – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Đồng Tháp – ra Hà Nội xin được gặp anh. Đối với chúng tôi, anh Hai Hùng tuy là một cán bộ quản lí cấp cao của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng anh lại là chổ thân tình, quen biết. Anh là người hầu như xa lạ, thậm chí đối lập với những quan cách, bề trên. Bao nhiêu năm sống và hoạt động trong ngành Giáo dục ở Đồng Tháp rồi khi chuyển ra công tác ở Bộ Giáo dục và Đào tạo, lúc nào anh cũng dành cho chúng tôi những tình cảm thật chân thành, nồng hậu. Vì thế, trước khi đến chổ anh, chúng tôi liên lạc với anh bằng điện thoại. Anh cho biết 8 giờ sáng hôm đó anh có cuộc họp giao ban ở Bộ nên yêu cầu chúng tôi tranh thủ đến sớm trước giờ họp. Và chúng tôi đã đến gặp anh vào lúc 7 giờ 30 phút. Với nét mặt rạng rỡ, nụ cười hiền lành quen thuộc tiếp chúng tôi, anh đi thẳng ngay vào công việc. Tính anh là vậy. Anh rất quí thời giờ, đam mê với công việc nên anh không thích nói những chuyện vô bổ, dông dài. Tất nhiên, trong khoảng 30 phút tranh thủ ấy anh chưa thể nói cặn kẽ hết mọi vấn đề nên anh hẹn chúng tôi bàn tiếp vào cuối buổi sáng, sau khi anh họp xong. Khoảng 10 giờ 30 phút, chúng tôi quay lại gặp anh. Câu chuyện được tiếp tục. Anh nói chậm rãi, cặn kẽ và tỉ mỉ. Mọi vấn đề anh đề cập đều rất cụ thể, sáng rõ, rành mạch. Anh trình bày cả những dự định, những ý tưởng mới mẻ về chủ trương phát triển giáo dục của ngành, của địa phương, của ngôi trường Đại học ở Đồng Tháp mà anh dành nhiều tâm huyết. Có nhiều ý tưởng của anh mà tôi cho là có nhiều kiến giải sáng tạo, rất thực tiễn, rất khả thi. Liếc nhìn đồng hồ đã hơn 11 giờ, tôi chủ động mời anh đi ăn cơm trưa. Trái với những lần trước, mỗi khi ra Hà Nội ghé thăm anh, chúng tôi đều được anh dẫn đi mấy quán bình dân gần đấy. Lần này, anh dứt khoát đề nghị cả hai chúng tôi phải về ăn cơm ở nhà anh, mặc dù tôi biết anh chỉ có một phần cơm mà người phục vụ nấu cho anh ăn hàng ngày. Biết vậy, nên tôi nhanh chân ghé mua thêm một ít thức ăn. Bữa cơm diễn ra thật giản dị nhưng lại đầy hào hứng.
            Hình như cái sự ăn lúc ấy không phải là để giải quyết chuyện cái bụng mà quan trọng hơn nhiều nó là cái cớ để chúng tôi nhắc nhiều về một thời gian khó, lặn lội chốn đồng bưng vì sự phát triển của ngành Giáo dục địa phương nơi tỉnh nhà Đồng Tháp. Sau khi ăn cơm xong, anh tự tay pha một ấm trà thật đậm. Hương vị đậm đà của trà quyện vào những câu chuyện anh kể, những điều mà trước đó anh chưa bao giờ nói khiến mãi tới bây giờ, tôi cũng chưa thể lí giải đó có phải là những dự cảm hay linh cảm như người ta thường nói? Nhìn lịch làm việc của anh đặt trên bàn đã kín hết thời gian, sắp tới lại có hai chuyến công tác vào Thành phố Hồ Chí Minh, rồi trở ra Bắc Giang, rồi ngược vào Huế, toàn những nơi cần anh và những việc cần anh, tôi cảm thấy ái ngại cho sức khỏe của anh. Khuôn mặt anh, nhìn kỹ, vẻ mệt mỏi, chỉ có vầng trán nhô cao là còn thần thái. Tôi nói :”anh Hai dạo này yếu hơn trước”. Anh cười gật đầu xác nhận :”Mình đúng là có yếu hơn. Vừa rồi nghe theo lời bác sĩ, mình có đi cắt 15 thang thuốc bắc. Nhưng bận việc, mới chỉ uống được 2 thang”. Có một điều thế này, nhiều người biết anh là con người của công việc, say mê với công việc nhưng ít ai biết được rằng nhiều khi trong lúc làm việc, anh phải nén đau do căn bệnh quái ác hành hạ. Con người anh là vậy. Sống hết mình vì mọi người, vẹn toàn sau trước nhưng lại sợ mọi người lo lắng vì mình. Tôi còn nhớ như in cái bắt tay xiết chặt và nụ cười, giọng nói khi anh tiễn chúng tôi ra xe. Tôi cũng không thể hình dung nổi đấy là lần cuối tôi được gặp anh. Vậy mà, khoảng 6 giờ sáng ngày 27-5, tức một tuần sau khi tôi từ biệt anh Hai để trở vào Nam, tôi nhận được cú điện thoại từ anh Trần Quốc Toàn – Trưởng phòng phóng viên của Báo Giáo dục và Thời đại – nhờ tôi kiểm chứng nguồn tin anh Hai Hùng mất.. Thật bất ngờ, ngỡ ngàng đến mức không thể nào tin nổi nhưng đó là sự thật : Anh bị đột quỵ. Tôi vội điện báo ngay cho anh Dương. Cả hai chúng tôi thật sự bị sốc. Không ngờ một người anh lớn, một người bạn lớn nhưng anh lại ra đi vội vàng, đột ngột như vậy. Tôi cũng không nhớ mình đã khóc anh như thế nào nhưng hình như nó chảy ngược vào trong thì phải, tất cả chúng tôi đều không tin nổi anh Hùng mất thật rồi sao?.
            Giờ đây, khi thời gian đã làm lắng dịu những nỗi đau, tôi chợt nghĩ cuộc ra đi của anh Hai Hùng là định mệnh. Ở cái tuổi “tri thiên mệnh” của anh, anh đã dự cảm được, hay nói đúng hơn là anh đã nắm bắt nhịp điệu sống của đời mình, nắm được điềm báo trước để hôm đó anh dốc cạn những tâm tư, những ý nguyện và dự định cùng những lời nhắc nhở chúng tôi thực hiện và cụ thể hóa kế hoạch phát triển nhà trường Đại học trong tương lai. Nhân ngày giỗ đầu của anh, những dòng viết này của tôi như những nén hương lòng dâng lên tưởng nhớ linh hồn anh, linh hồn của một người khi ra đi đã để lại cả một trời yêu thương, tiếc nhớ.